Nhằm phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu về lịch sử mỹ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, 3D Tour của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trưng bày và giới thiệu các tài liệu hiện vật về lịch sử mỹ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trên nền tảng số. Bảo tàng cũng giữ một vai trò quan trọng trong lưu giữ phát huy giá trị truyền thống văn hóa và nghệ thuật của dân tộc Việt.
3D Tour tham quan bảo tàng đã phần nào truyền tải được hình ảnh và nội dung chú thích của trên 2200 hiện vật chọn lọc (từ hơn 20.000 hiện vật) được trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Không gian ấn tượng kết hợp giữa kiến trúc Pháp cổ và dân gian Việt nam được truyền tải sống động qua virtual tour bao gồm 24 phòng trưng bày, sắp xếp theo các bộ sưu tập và theo dòng chảy lịch sử sinh động của nền mỹ thuật Việt Nam.
Các phòng trưng bày bắt đầu từ thời Tiền sử – Sơ sử gắn liền cùng nền văn minh lúa nước trong thời kì đồ đá và đồ sắt, tiêu biểu là các nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Đồng Nai và Óc Eo, cũng như sự tương tác qua lại giữa các nền văn hóa này được thể hiện qua nhiều công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, nhạc khí và trang sức. Qua đến thế kỷ 11 đến thế kỷ 19 với các thời đại Lý – Trần, Lê Sơ – Mạc – Lê Trung Hưng, Tây Sơn – Nguyễn, bảo tàng lưu trữ các hiện vật đá, đất nung và điêu khắc gỗ, bao gồm một số bảo vật quốc gia như tượng Phật bà Quan Âm của Chùa Hội Hạ và tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc của Chùa Mật. Cuối cùng, các dấu ấn mỹ thuật cận đại, đương đại và kháng chiến cũng chiếm một phần lớn không gian bảo tàng, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ nghệ thuật phương Tây và bút pháp xã hội chủ nghĩa, nổi bật có bức Hai thiếu nữ và em bé của Tô Ngọc Vân, Bình phong của Nguyễn Gia Trí và Em Thúy của Trần Văn Cẩn. Ngoài ra, bảo tàng cũng trưng bày các bộ sưu tập quý, bao gồm tranh sơn mài, tranh nhuộm, tranh sơn dầu, tranh giấy đồ họa và tranh giấy hội họa.
Bằng việc sử dụng công nghệ scan 3D không gian, SEAP VR đã tái hiện lại những điểm đặc sắc nhất của bảo tàng, bao gồm hệ thống hiện vật phong phú và đa dạng; giải pháp trưng bày khoa học, hợp lý, hấp dẫn; chú thích âm thanh rõ ràng và cô đọng cũng như hệ thống ánh sáng hiện đại tạo điểm sáng cho hiện vật trưng bày. Từ đó, công nghệ thực tế ảo góp phần lớn trong việc khiến cho nhiệm vụ tuyên truyền và quảng bá nghệ thuật Việt Nam qua các di sản văn hóa phi vật thể, di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia của bảo tàng không còn bị hạn chế trong ranh giới không gian và thời gian, có thể tiếp cận đến những người quan tâm ở bất cứ nơi đâu, tại bất cứ thời điểm nào.
SEAP VR hân hạnh được đồng hành cùng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ vào tổ chức các hoạt động trưng bày và giáo dục đông đảo khán giả trong và ngoài nước về các di sản văn hóa và nghệ thuật gắn liền với nền mỹ thuật Việt Nam.